[Kiến thức] Kỹ thuật sơ cấp cứu cơ bản cần phải biết

Xếp hạng: 5 (1 bình chọn)

Trong cuộc sống, tai nạn có thể xảy ra một cách bất ngờ mà chúng ta không thể lường trước được. Khi gặp phải nó, nguy hiểm nhất chính là việc có người bị thương. Đế hạn chế xảy ra tình huống xấu nhất thì việc sơ cấp cứu kịp thời là rất quan trọng. Cùng Bảo vệ Việt Anh tìm hiểu một số kỹ năng sơ cấp cứu hiệu quả trong bài viết dưới đây.

Mục lục
[ Ẩn ]

huấn luyện sơ cấp cứu

Tầm quan trọng của sơ cấp cứu kịp thời

Sơ cấp cứu là một loạt các phương pháp y tế nhằm giúp người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch thoát khỏi nguy hiểm để có thời gian thực hiện các biện pháp cứu chữa tiếp theo hoặc giúp nạn nhân không bị các di chứng tàn tật vĩnh viễn.

sơ cấp cứu kịp thời
Sơ cấp cứu kịp thời rất quan trọng

Khi gặp tai nạn bất ngờ, nạn nhân thường ở trong tình trạng nguy hiểm. Nếu người đầu tiên tiếp cận hiện trường tai nạn có thể thực hiện các biện pháp sơ cứu kịp thời thì tình trạng của nạn nhân sẽ bớt nguy kịch, không bị các tổn thương vĩnh viễn và giúp họ có thêm thời gian để được tiếp nhận điều trị chuyên sâu tại cơ sở y tế như bệnh viện.

Như vậy, sơ cấp cứu tốt và kịp thời có vai trò quan trọng trọng việc cứu chữa và cả quá trình hồi phục sau này của nạn nhân.

Xem thêm: Túi Sơ Cấp Cứu theo đúng chuẩn quy định của pháp luật

Kỹ năng sơ cấp cứu cho các tai nạn thường gặp

Phần nội dung dưới đây, Việt Anh sẽ tập trung trình bày một số kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản được áp dụng phổ biến khi gặp người bị thương.

Hô hấp nhân tạo 

Khi gặp một người bị ngạt thở do đuối nước, điện giật… bạn cần nhanh chóng gọi 115 rồi khai thông đường thở cho nạn nhân theo các bước dưới đây:

  • Đặt nạn nhân ở tư thế nằm, lấy dị vật trong miệng (nếu có).
  • Nâng cằm, bịt nhẹ mũi nạn nhân, còn tay kia kéo hàm dưới xuống để miệng nạn nhân mở ra, sau đó thổi mạnh vào miệng nạn nhân khoảng 15 - 20 lần mỗi phút.

sơ cấp cứu hô hấp
Sơ cấp cứu hô hấp nhân tạo cho nạn nhân

Nếu lồng ngực không nhô lên thì cần tăng lực thổi hoặc quan sát sâu trong cổ họng nạn nhân có bị mắc dị vật hay không.

Bóp tim ngoài lồng ngực 

Khi gặp một nạn nhân có dấu hiệu tim ngừng đập thì bạn phải tiến hành bóp tim ngoài lồng ngực ngay lập tức, sơ cấp cứu theo các bước như sau:

  • Nới lỏng và cởi bỏ cúc áo, thắt lưng, vòng cổ.
  • Quỳ gối đối diện nạn nhân và đặt tay lên vùng ngực của người bị nạn và nhấn lồng ngực.

sơ cấp cứu
Ảnh minh hoạ về chuẩn bị sơ cấp cứu

  • Khi nhấn nhớ giữ thẳng tay và nhấn xuống lồng ngực của nạn nhân khoảng 3 - 4cm, sau đó nới lỏng tay ra. Với người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, bạn thực hiện ép tim khoảng 100 lần/phút. Với trẻ em dưới 1 tuổi, bạn dùng 2 ngón tay nhẹ nhàng thực hiện ép tim hơn 100 lần/phút.

Chú ý:

  • Hãy kiểm soát lực ấn khi ép tim nếu không bạn có thể gây thêm thương tổn cho nạn nhân. 
  • Xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt thường được phối hợp thực hiện với nhau. Cứ thực hiện ép tim 5 lần lại thổi hơi một lần cho đến khi thấy nạn nhân tỉnh lại.

Cầm máu vết thương 

Khi gặp phải những vết thương hở, chảy máu ngoài da thì phải tranh thủ thời gian cầm máu cho người bị thương. Nhất là những vết thương lớn gây tổn thương đến động mạch để tránh việc mất máu quá nhiều gây sốc cho nạn nhân. Bạn có thể làm theo hướng dẫn sơ cứu vết thương chảy máu ngoài sau đây:

  • Bước 1: Sát khuẩn tay trước khi cầm máu để tránh làm nhiễm trùng vết thương.
  • Bước 2: Nâng cao phần bị mất máu, dùng khăn mềm sạch để lau bụi bẩn, loại bỏ những dị vật nằm bên trên bề mặt vết thương.

Chú ý: Đối với những dị vật đâm sâu, kích cỡ to - lúc này đang đóng vai trò là vật cầm máu, vì thế tuyệt đối không được rút ra mà phải bảo vệ, không cho dị vật di chuyển cho đến khi đưa người bị thương vào bệnh viện xử lí.

  • Bước 3: Dùng vải sạch hoặc bông băng y tế áp chặt vết thương trong lúc đợi cơ quan y tế đến, nhưng không nên áp quá chặt làm tắc nghẽn lưu thông máu.

sơ cấp cứu cầm máu
Cầm máu vết thương

Nếu thấy máu còn chảy thấm qua lớp băng thì đặt thêm miếng gạc nữa nhưng không tháo lớp băng ban đầu ra.

  • Bước 4: Kể cả khi máu đã ngừng chảy, vẫn cần đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế để làm sạch và xử lí vết thương đúng cách.

Sơ cứu bỏng 

Các vết bỏng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: bỏng do hỏa hoạn, bỏng nước sôi, bỏng hóa chất, bỏng bô xe máy hoặc bỏng do dầu ăn đang sôi.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết bỏng mà chia thành 3 cấp độ:

  • Cấp độ 1: da tấy đỏ, không bị bong da
  • Cấp độ 2: bề mặt da xuất hiện mụn nước, da bị phồng rộp
  • Cấp độ 3. diện tích phồng rộp lớn, da chuyển màu trắng

Cách sơ cấp cứu khi bị bỏng sẽ có các nguyên tắc chung như sau:

  • Hãy lấy nước sạch xối trực tiếp vào vùng da bị bỏng trong khoảng thời gian 20 phút. Mục đích là để giảm nhiệt độ trên bề mặt vùng da bị bỏng, đồng thời làm giảm độ sâu do vết bỏng gây ra. 

cấp cứu bỏng
Ảnh minh hoạ nạn nhân cần sơ cứu

Lưu ý:Không sử dụng đá lạnh để xối trực tiếp vào vết thương, chỉ lấy nước sạch thông thường là được.

  • Sau khi làm sạch vùng da bị tổn thương hãy lấy bông gạc hoặc khăn sạch để băng bó vết thương. 
  • Bạn có thể nhận biết mức độ bỏng theo các cấp độ nêu trên để có thể đưa ra biện pháp sơ cấp cứu bỏng thích hợp. 

Nếu vết bỏng nhẹ, có thể điều trị ở nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Cách điều trị là thay băng mỗi ngày và rửa vết bỏng bằng nước muối sinh lý, sau đó bôi kem trị bỏng và băng vết thương lại bằng gạc vô trùng cho đến khi da lành lại.

Còn nếu vết bỏng trong tình trạng nặng hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. 

vết thương do bị bỏng
Vết thương do bỏng

  • Không bôi kem đánh răng lên vùng da bị bỏng, đây là cách sơ cấp cứu bỏng sai lầm.
  • Nếu vết bỏng xuất hiện các bọc nước thì bạn nên cẩn thận, tránh làm vỡ bọc nước gây rát, khó chịu.
  • Nếu nạn nhân bị bỏng là trẻ em, để giúp trẻ không bị hoảng, cha mẹ nên cố gắng trấn tĩnh tâm lý của con.

Sơ cứu gãy xương

Khi cơ thể chúng ta gặp phải những va đập rất mạnh từ môi trường bên ngoài có thể dẫn đến gãy xương. Lúc này, nạn nhân cần được sơ cấp cứu kịp thời nếu không sau này họ có thể bị tổn thương vĩnh viễn.

Sơ cấp cứu gãy xương được thực hiện theo các bước dưới đây:

  • Cố gắng giữ nguyên vị trí của người bị gãy xương và không xê dịch. Nếu người đó bị gãy xương tay hoặc chân, bạn hãy cố định khu vực bị thương bằng nẹp hoặc băng vải đeo trước ngực.

sơ cấp cứu gãy xương
Các bước sơ cứu gãy xương

  • Sau đó, bạn bỏ đá lạnh vào một miếng vải sạch và chườm vào khu vực nạn nhân bị thương trong khoảng 10 phút/lần.
  • Tinh thần người bị gãy xương có thể rất hoảng loạn, bạn nên trấn an họ và đặt họ ở tư thế thoải mái nhất để có thể nghỉ ngơi. Bạn cũng có thể đắp chăn hoặc quần áo cho nạn nhân để giữ ấm.
  • Sau khi thực hiện xong các bước sơ cứu, bạn nhanh chóng gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đi bệnh viện gần nhất.

Những lời khuyên về an toàn khi sơ cấp cứu 

Vai trò quan trọng của sơ cấp cứu đối với cứu chữa nạn nhân là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc thực hiện sơ cấp cứu phải chính xác thì mới có hiệu quả và đặc biệt là không làm nặng thêm tình trạng bệnh hiện có của nạn nhân. Vì thế, để tốt nhất cho bệnh nhân bạn cần lưu ý những điều sau đây:
1. Không vỗ lưng một người đang bị nghẹt thở do dị vật, hãy để nạn nhân ho và dị vật có thể tự tống ra ngoài.
2. Không cắt và hút qua da hay đặt ga-rô cho người bị rắn cắn. Hút có thể làm nhiễm khuẩn vết thương và làm lan rộng nọc độc; còn đặt ga-rô sẽ cắt nguồn cung cấp máu vùng chi sau ga-rô.
3. Không nên uống rượu để làm ấm cơ thể khi trời lạnh, rượu chỉ làm hạ nhiệt độ khi trời lạnh.
4. Không nên uống rượu để giảm đau.
5. Không nên đắp bơ hay bất kỳ loại dầu mỡ nào lên vết bỏng, dầu mỡ không cho thoát nhiệt và sẽ làm vết bỏng nhiễm trùng và tạo sẹo.

túi sơ cấp cứu
Hộp dụng cụ sơ cấp cứu

6. Không nên áp trứng gà luộc hay thịt bò sống lên vết bầm ở mắt vì vi khuẩn trên vỏ trứng hay thịt bò tươi làm vết thương nhiễm trùng
7. Không nên dùng oxy già để rửa vết thương.
8. Không nên ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu mũi vì máu sẽ chảy xuống họng làm bạn buồn nôn và nôn. Bạn nên hơi cúi đầu về phía trước và dùng hai ngón tay bóp chặt hai mũi.
9. Không nên chạy hay đi khi chân bị nẹp vì chạy hay đi sẽ làm tổn thương chân nẹp nhiều hơn.
10. Không nên dùng dầu nóng thoa lên người để hạ nhiệt. Dầu sẽ được hấp thụ vào da và có thể làm bệnh nặng thêm.

Bài viết trên đây là những hướng dẫn cho quá trình sơ cấp cứu khi gặp một số tai nạn thường thấy trong cuộc sống. Bảo vệ Việt Anh hi vọng rằng, những kiến thức như trên sẽ hữu ích đối với tất cả mọi người.

Tìm hiểu ngay: Sơ cứu đuối nước ngay tại chỗ - thời điểm vàng để cứu nạn nhân